Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Không tăng thuế GTGT lên mức 11 - 12%

Sáng 26/5, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày làm rõ thêm về các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Trong đó Bộ trưởng đã nêu rõ về định hướng sửa đổi, bổ sung, xây dựng các sắc thuế như thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài sản.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Cơ chế quản lý hiện đại, nhưng có thể bị lợi dụng 

Báo cáo về tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP), Luật Quản lý tài sản công… và nhiều luật khác, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý ngân sách. Cùng với việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và xử lý nghiêm các sai phạm, về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên, đồng tình với ý kiến một số đại biểu đã nêu, Bộ trưởng cũng đánh giá tình trạng chấp hành kỷ luật NSNN ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương, kể cả ở các cơ quan Nhà nước lẫn các doanh nghiệp (DN). Trong lĩnh vực thu NSNN, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp; gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra ở nhiều nơi, một phần trong số này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và truy thu.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo Bộ trưởng, là do công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật của cơ quan quản lý thu ngân sách chưa tốt và ý thức chấp hành pháp luật của DN, người nộp thuế chưa cao. Cùng với đó, vừa qua chúng ta thay đổi cơ chế quản lý về thuế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Theo đó, các DN tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế, hải quan với DN và người nộp thuế. 

Việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế này cũng còn kẽ hở để cho các đối tượng nộp thuế lợi dụng, chiếm đoạt tiền thuế. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là hướng đi đúng, cần kiên trì thực hiện, "vấn đề là phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu này". 

Hạn chế lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách thuế 

Cụ thể, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phải tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, đảm bảo chặt chẽ, có các tiêu chí phân nhóm phân loại rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch.

"Gần đây nhất, chúng tôi trình Chính phủ Nghị định về hoá đơn điện tử, làm được hoá đơn điện tử nữa thì chắc chắn việc quản lý thuế, cơ sở thuế sẽ tốt hơn", Bộ trưởng chia sẻ.   

Một giải pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu ngân sách. Nêu rõ định hướng về một số luật, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tiếp thu các ý kiến đóng góp, thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu, đồng thời kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế ở mức 0%, 5%, đảm bảo công bằng và hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế. 

Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới. 

Về thuế tài sản, Bộ trưởng cho biết phương án ban đầu đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và sẽ được tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới. Trong đó, định hướng nghiên cứu, xây dựng luật là tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng và "mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu". 

    Nợ đọng thuế giảm cả về số lượng và tỷ lệ 

    Ngoài ra, các giải pháp khác cũng được chú trọng là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN, người nộp thuế thông qua công tác tuyên truyền pháp luật về thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế; đẩy mạnh hoạt động của các trung gian tư vấn thuế. Tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro cao, để xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật. 

Nêu một số số liệu cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2016, cơ quan kiểm toán đã kiểm toán, kiến nghị tăng thu NSNN 19,1 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu các khoản thuế và phí, lệ phí là 3,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, ngành Tài chính đã thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính và phạt vi phạm hành chính trên 55 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đã tăng thu ngân sách 19 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ là 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 37,6 nghìn tỷ đồng.

Riêng về quản lý thuế, mặc dù tỷ lệ nợ thuế hiện còn ở mức cao (trên 7%), nhưng trước sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Số thuế nợ đọng đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu NSNN, trong đó số thuế nợ đọng giảm từ 81,97 nghìn tỷ đồng năm 2016, xuống còn 73,1 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2017, tương ứng giảm 10,8%, riêng số nợ thuế có khả năng thu hồi giảm từ 31,7 nghìn tỷ đồng năm 2016 xuống 26 nghìn tỷ đồng năm 2017, tương ứng giảm 18%, bằng khoảng 2,5% tổng thu NSNN. Cùng với đó, số thu hồi nợ đọng thuế tăng cao qua các năm, năm 2016 là 39,7 nghìn tỷ đồng, năm 2017 là 44,77 nghìn tỷ đồng.

Trong số thuế nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2017 là 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2016, chiếm 43% tổng nợ. Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, DN giải thể không còn tài sản để thu hồi..., nhưng chưa được xóa . Vì chưa được xoá, nên theo quy định vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp 0,03%/ngày, nên số nợ này ngày càng tăng. Ngoài ra, còn có khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21,4% tổng số nợ cũng là những khoản thu khó đòi.

Trước thực tế này, lãnh đạo ngành Tài chính cho biết đang tích cực rà soát, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xoá số nợ thuế không có khả năng thu để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế.  

    Báo cáo THTK, CLP đầy đủ, chi tiết 

    Báo cáo thêm về vấn đề THTK, CLP, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của pháp luật về THTK, CLP. Nhờ vậy, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã đánh giá khá đầy đủ và chi tiết kết quả thực hiện trong năm vừa qua. Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách đã đánh giá cao chất lượng báo cáo, thậm chí có ý kiến cho rằng đây là báo cáo tốt nhất từ trước đến nay.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhìn nhận tình trạng thất thoát, lãng phí còn khá phổ biến và diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp, các địa phương. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề nhận thức về tầm quan trọng trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay vẫn còn một số đơn vị chưa nộp chương trình hành động cũng như báo cáo THTK, CLP. Về phía mình, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các đơn vị không chấp hành chương trình THTK, CLP./.

Bộ Tài Chính

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến
 
CongTy PhuNamHai 260 270

TrungTam Daihoc KinhTe 260 270

f and y 260 270
Lead talent 260 270

Lượt Truy Cập

Hôm nay: 117 Hôm qua: 646 Tổng truy cập: 1156923 Số người đang online: 61

THÔNG TIN VỀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Dịch vụ và Tư vấn Thuế - Kế toán : 028.3932 6401 - 028.3932 6473
Tư vấn Quản lý và Nhà Thầu : 028.3932 6403 - 0945 168 743
Tư vấn Tổ chức và nhân sự : 028.3932 6341028.3890 9670

^